Tự Đức
Tự Đức (chữ Hán: 嗣德 22 tháng 9 năm 1829 – 19 tháng 7 năm 1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (阮福洪任), khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì (阮福時), là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883, ông được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Dực Tông (阮翼宗), thụy hiệu là Thể Thiên Anh Hoàng Đế. Trong suốt thời gian trị vì của mình ông chỉ sử dụng duy nhất một niên hiệu là Tự Đức (嗣德) nên thường được gọi với tên này. Triều đại của ông đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn và nhiều sự kiện xấu với vận mệnh Đại Nam. Quân đội nhà Nguyễn ngày càng suy yếu, kinh tế trì trệ, trong khi nhiều cuộc nội loạn diễn ra trong cả nước. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trước tình hình người Pháp xâm lấn trong triều đình đặt ra vấn đề cải cách, liên tiếp các năm từ 1864 đến 1881, các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước nhưng các đình thần lại không thống nhất, nhà vua cũng không đưa ra được quyết sách dứt khoát. Mãi đến năm 1878, triều đình mới bắt đầu cử người thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình cải cách là cho học tiếng nước ngoài, nhưng đình thần vẫn bất đồng và nảy sinh hai phe chủ trương cải cách và bảo thủ, rồi đến khi nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp cũng nảy sinh hai phe chủ chiến và chủ hòa. Chính vua Tự Đức cũng phải tự phê về triều đại mình như sau: "Thanh dung thịnh nhi võ bị suy, nghị luận đa nhi thành công thiểu" (聲容盛而武備衰, 議論多而成功少; nghĩa là: Bề ngoài hào nhoáng nhưng quân sự suy yếu, bàn luận nhiều mà thành công ít) Triều đình nhà Nguyễn ngày càng bất lực trước sự tấn công của Pháp, chỉ mong cắt đất cầu hòa. Cuối cùng, tới năm 1883, Tự Đức qua đời, ngay sau đó Pháp tấn công vào kinh đô và ép buộc nhà Nguyễn phải công nhận sự "bảo hộ" của Pháp trên toàn Đại Nam. Nhà Nguyễn sau thời Tự Đức chỉ còn là danh nghĩa, vua Nguyễn chỉ còn là bù nhìn, thực tế thì đã mất nước vào tay Pháp. Thân thếNguyễn Phúc Hồng Nhậm sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ Sửu (tức 22 tháng 9 năm 1829) tại Huế, là con thứ nhưng là đích tử của vua Thiệu Trị và Phạm Thị Hằng (bà Từ Dụ). Khi còn nhỏ Hồng Nhậm còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Ngoài ra, theo truyền thống hoàng tộc Nguyễn Phúc có từ thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, hoàng tử sinh ra để dễ nuôi sẽ được đặt thêm tên có chữ Mệ, vì vậy thuở nhỏ ông còn được gọi là Mệ Tríu Vì anh trai của ông, Nguyễn Phúc Hồng Bảo, là một người ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành nên vua Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Đến tháng 10 năm 1847 ông chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức, bắt đầu từ năm sau là 1848. Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo. Cai trịTự Đức lên ngôi vào tháng 10 năm Đinh Mùi 1847 theo di chiếu của vua cha Thiệu Trị. Bấy giờ ông mới có 19 tuổi. Quan lại dưới thời Tự ĐứcPhần lớn triều thần thời Tự Đức là những người hấp thụ nền giáo dục Nho giáo nên không cập nhật được những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại.[1] Hơn nữa Đại Nam đang trong tình trạng đóng cửa nên triều đình nhà Nguyễn có rất ít thông tin về thế giới bên ngoài. Họ chỉ nhìn nhận tình hình thế giới bằng con mắt của hàng trăm năm trước khi phương Tây chưa công nghiệp hoá trong khi phương Tây đã bỏ xa nước Đại Nam về công nghệ, kỹ thuật. Một số người ở Nghệ An đã xuất ngoại nên nắm bắt được tình hình thế giới đương thời mà điển hình là ông Nguyễn Trường Tộ. Khi về nước, Nguyễn Trường Tộ liền thỉnh cầu Hoàng đế gấp rút cải cách kẻo mất nước. Tiếc thay, quần thần ngăn cản nên ông cũng từ chối ban hành cải tổ.[1] Nhiều nhà sử học quy trách nhiệm về việc mất nước cho các quan lại cao cấp dưới thời Tự Đức. Tuy nhiên dưới thời ông cũng có một số trung thần xả thân vì nước như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu...[1] Thuế khoáThuế khoá trong nước dưới thời Tự Đức đại khái cũng giống như các thời Minh Mạng (1820 - 1841) và Thiệu Trị (1841 - 1847) trước đó,[2] nhưng từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha chiếm các tỉnh Nam Kỳ rồi lại phải bồi tiền binh phí mất 4 triệu nguyên, triều đình mới tìm cách lấy tiền, bèn phải cho quan Hầu Lợi Trịnh đánh thuế cao trong việc buôn bán thuốc nha phiến từ Quảng Bình đến Bắc Kỳ, tuy không nhiều. Sử sách chép rằng mỗi năm nhà vua thu được có 302.200 quan tiền thuế nha phiến.[2] Nhà vua buộc phải dùng lối đời trước bán quan để lấy tiền, theo hình thức "quyên". Định lệ cho quyên từ 1.000 quan trở lên thì được hàm cửu phẩm, lên đến 10.000 thì được thăng hàm lục phẩm.[2] Quân độiThời Tự Đức có nhiều giặc giã và là một thời rất loạn lạc ở Đại Nam. Có nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình cùng với thực dân Pháp âm mưu chiếm hết toàn cõi Đại Nam. Tuy nhiên quân đội nhà Nguyễn thời kỳ này lại sa sút rất nhiều. Theo sách Những vấn đề lịch sử triều Nguyễn, thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước.[3] Một trong những lý do khiến cho tình hình quân đội sa sút là vấn đề tài chính. Các cuộc chiến thời Minh Mạng đã làm ngân khố nhà Nguyễn suy kiệt. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Bộ binh được trang bị rất lạc hậu: 50 người mới có 5 khẩu súng, mỗi năm chỉ tập bắn 1 lần 6 viên đạn. Vũ khí được bảo dưỡng cũng kém. Về thủy binh, không có tàu hơi nước nào được đóng mới, thủy quân thậm chí không đủ khả năng để bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không còn chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo triều Trần. Đời sống binh lính không được quan tâm thỏa đáng, lương thực lại còn bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của binh sĩ không được cao.[3] Năm 1861, Tự Đức ra lệnh cho các tỉnh thành chọn lấy những thanh niên trai tráng khỏe mạnh để đi lính. Đến năm 1865, triều đình Tự Đức tổ chức khoa thi đầu tiên để tuyển chọn Võ tiến sĩ vào thời Nguyễn. Tuy rằng Đại Nam lúc đó các tướng sĩ tài giỏi không thiếu nhưng thời thế đã khác xưa thế mà vẫn còn dùng gươm giáo. Khi ấy, thực dân Pháp đã có súng ống tân tiến do đó gươm giáo của Đại Nam không thể địch nổi. Tuy Đại Nam có nhân lực dồi dào, vũ khí hiện đại để chiến đấu thì lại thiếu thốn trầm trọng. Trong một đội gồm 10 binh lính thì mới có một khẩu súng kiểu cũ, phải châm ngòi bắn mới được. Mà quân sĩ không được tập bắn nhiều do sợ tốn tiền đạn dược. Bởi thế khi quân Pháp tới Đại Nam chẳng thể chống nổi. Quan điểm nghệ thuật quân sự của vua quan triều Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của khoa quân sự trung cổ. Việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây thời vua Tự Đức khiến cho quân sự Việt Nam bị lạc hậu nhiều. Vì vậy, khi quân Pháp xâm lược Đại Nam năm 1858, khoảng cách về trang thiết bị với quân đội nhà Nguyễn đã khá xa.[3] Chẳng những không chống nổi quân Pháp, ngay cả quân Cờ đen là một nhóm thổ phỉ chỉ có mấy trăm người cũng có thể kéo từ biên giới Trung Quốc vào đến tận Sơn Tây, lập trại cát cứ, gây nhiễu loạn cả một vùng suốt nhiều năm mà hàng vạn quân nhà Nguyễn ở miền Bắc cũng không dẹp nổi. Đánh không thắng được, cuối cùng nhà Nguyễn phải trả tiền để thuê đội quân thổ phỉ này cùng chống Pháp, và đáng buồn hơn nữa là quân Cờ đen lại gây thiệt hại cho Pháp nhiều hơn là quân nhà Nguyễn. Điều này cho thấy quân đội nhà Nguyễn thời Tự Đức đã suy yếu tới mức nào. Thương mạiTự Đức khước từ mọi giao thiệp với người phương Tây, dầu việc giao thiệp chỉ nhằm phục vụ thương mại.[4] Năm 1850, có tàu của Hoa Kỳ vào cửa Đà Nẵng, có quốc thư xin thông thương nhưng nhà vua làm ngơ không thèm tiếp thư.[4] Từ năm 1855 đến 1877 các nước Anh, Pháp và Tây Ban Nha nhiều lần có tàu vào cửa Đà Nẵng, cửa Thị Nại (Bình Định) và Quảng Yên xin thông thương cũng không được.[2] Mãi đến khi Gia Định bị thực dân Pháp chiếm đóng, việc ngoại giao giữa triều đình với các nước phương Tây khó khăn, Tự Đức mới thay đổi chính sách, đặt ra Bình Chuẩn Ty để lo buôn bán và Thượng Bạc Viện để giao thiệp với người nước ngoài nhưng không có kết quả vì những người được ủy thác vào các việc này không được học hành gì về ngoại giao.[2][5] Cấm đạo Công giáoSau khi lên ngôi vào năm 1848 thì vua Tự Đức đã có dụ cấm đạo Công giáo,[4] cũng vì sự cấm đạo tàn nhẫn này mà thực dân Pháp sau này có cớ xâm chiếm Đại Nam.[4] Tự Đức nhận xét về Công giáo:
Một trong những tuyên cáo của Tự Đức có ghi:
Ba năm sau đó, năm 1851, sự khoan dung này dành cho các linh mục bản xứ đột nhiên bị bãi bỏ. Từ đó dụ cấm đạo càng khắt khe hơn trước.[4] Từ đó về sau: "hoặc là họ phải chà đạp lên thánh giá, nếu không sẽ chém làm hai ở ngang lưng" (trảm yêu). Trong năm đó và năm kế tiếp, bốn vị giáo sĩ truyền đạo người Pháp đã bị chém đầu và thi thể bị ném trôi sông hay ra biển. Báo chí Công giáo tại Pháp kêu la trong sự kinh hoàng, và sự khích động đã thu nhận được một cảm tình viên nơi Hoàng hậu Pháp Eugenie, nhất là khi trong số các nạn nhân sau này có tên một vị tu sĩ Tây Ban Nha mà khi còn là một thiếu nữ, bà có quen biết tại Andalusia. Về việc này, Trần Trọng Kim có lời bình:
Theo hòa ước với Pháp năm 1862, nhà Nguyễn bỏ việc cấm đạo Công giáo. Năm 1864, để phản ứng lại âm mưu giết hại người Công giáo của giới Văn Thân ở Huế, Tự Đức hạ dụ:[7]
Phan Phát Huồn nhận định rằng dù sắc dụ trên có điều sai lạc nhưng Tự Đức đã công nhận sự trung thành và bị vu oan của người Công giáo.[8] Năm 1869, Tự Đức ra hai sắc dụ bảo vệ người Công giáo: cho phép người Công giáo được tập hợp thành làng, có lý trưởng Công giáo, và cấm người lương nhục mạ và quấy rầy lễ nghi của người Công giáo. Tuy vậy đối với nhiều người, Tự Đức không còn đủ uy tín, và phong trào Văn Thân chống đối ông bắt đầu nổi lên tàn sát người Công giáo.[9] Các cuộc nổi loạnTự Đức là một vị vua chăm chỉ về việc trị dân, ngay từ năm Canh Tuất (1850) vua sai Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược Đại sứ 6 tỉnh Nam Kỳ, Phan Thanh Giản làm Kinh lược Đại sứ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận, Nguyễn Đăng Giai làm Kinh lược Đại sứ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các đại thần này đi khám xét công việc các quan lại và sự làm ăn trong dân gian, có điều gì hay dở phải dâng sớ tâu về Kinh đô cho vua biết.[10] Dù vậy, tại Bắc Kỳ có 40 cuộc nổi loạn dưới triều Tự Đức.[10] Chỉ có vài ba năm đầu còn hơi yên trị, từ năm 1851 trở đi, trong nước ngày càng nhiều cuộc nổi loạn. Bắc Kỳ là nơi nhiều loạn nhất, bởi vì đây là đất của tiền triều Hậu Lê, nhiều người tưởng nhớ đến tiền triều, nên chỉ những người muốn làm loạn, hoặc tự nhận là hậu duệ triều Hậu Lê, hoặc tìm một người giả nhận dòng dõi nhà Hậu Lê, rồi tôn lên làm minh chủ để lấy cớ mà khởi sự.[10] Bấy giờ, ở Trung Quốc có quân Thái Bình Thiên Quốc nổi lên đánh nhà Thanh, đến khi tan vỡ thì tàn quân Thái Bình Thiên Quốc tràn sang Đại Nam cướp phá ở miền thượng du, quan quân nhà Nguyễn phải đi đánh dẹp rất phiền phức.[10][11] Ở trong nước thì thỉnh thoảng lại có tai biến như nước lụt, đê vỡ,... Ở Hưng Yên, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn Giang trở thành bãi cát bỏ hoang, nhân dân đói khổ, nghề nghiệp không có, bởi thế nên người đi làm giặc ngày càng nhiều.[10] Quân Tam ĐườngNăm 1851, có nhóm giặc Khách là Quảng Nghĩa Đường, Lục Thắng Đường, Đức Thắng Đường,... tục gọi là giặc Tam Đường quấy nhiễu ở mặt Thái Nguyên. Vua Tự Đức sai Nguyễn Đăng Giai ra kinh lược ở Bắc kỳ. Giai đã dùng cách khôn khéo dụ được quân nổi loạn về hàng. Bởi vậy trong hạt lại được yên một độ. Nhưng đến năm 1854, Nguyễn Đăng Giai qua đời, Bắc kỳ lại có loạn.[10] Quân Châu ChấuNăm 1854, năm Tự Đức thứ 7, ở tỉnh Sơn Tây có một nhóm người đem Lê Duy Cự là hậu duệ của triều Lê ra lập làm minh chủ để khởi sự đánh nhà Nguyễn. Lúc bấy giờ có Cao Bá Quát, người làng Phú Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh thi đỗ cử nhân, ra làm quan, được bổ chức Giáo thụ phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Cao Bá Quát là một nhà văn, nhà thơ lỗi lạc ở Bắc Kỳ, mà cứ bị quan trên đè nén, cho nên bức chí, từ quan lui về dạy học, rồi theo nhóm người ấy xưng làm Quốc sư để dấy loạn ở vùng Sơn Tây và Hà Nội.[2] Lúc đầu nghĩa quân giành được một số thắng lợi ở Sơn Tây, Nam Định nhưng sau đó thì bị quân triều đình đánh tan. Theo Thư mục chính biên thì Cao Bá Quát bị bắn chết trong một trận đánh năm 1855, nhưng theo Việt Nam sử lược thì Quát bị quan Phó Lãnh binh tỉnh Sơn Tây là Lê Thuận đánh bắt được và đem về chém tại làng.[10] Vua Tự Đức ra lệnh cho tru di tam tộc dòng họ Cao. Bởi vì tháng 5 ấy ở tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây có nhiều châu chấu phá hoại mùa màng, đến cuối năm lại có cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Cự, nên tục gọi là giặc Châu Chấu.[10][12] Sau khi Cao Bá Quát chết, Lê Duy Cự còn quấy rối đến mấy năm sau mới dẹp yên được.[10] Khởi nghĩa Lê Duy PhụngKhởi nghĩa Lê Duy Phụng là tên gọi của cuộc nổi dậy do Lê Duy Phụng, trước đã từng tham gia trong lực lượng Pháp tiến đánh Nam Kỳ, lãnh đạo chống triều đình nhà Nguyễn ờ vùng ven biển Bắc Kỳ từ năm 1861 đến 1865. Cuộc nổi dậy đã được các lực lượng nông dân khởi nghĩa, các nhóm giặc cỏ ở khắp Bắc Kỳ như Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An cũng như hải tặc ngoài biển ủng hộ nhiệt liệt, lan rộng khắp miền Bắc cho quân Pháp rảnh tay ở Nam Kỳ. Hồng Bảo mưu giành ngôiTheo lẽ thường, sau khi vua Thiệu Trị qua đời, ngôi vua sẽ được truyền cho người con trưởng là Nguyễn Phúc Hồng Bảo (1825 - 1854). Thế nhưng, khi vua Thiệu Trị mất, liền ngày ấy, các hoàng thân và các quan văn võ họp tại điện Cần Chánh để tuyên đọc di chiếu, theo đó hoàng tử thứ hai là Phúc Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được lập lên ngôi. Hồng Nhậm khóc lạy lãnh mạng. Di chiếu đọc chưa dứt, An Phong công (Hồng Bảo) phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật ngã giữa điện đình. Lúc làm lễ đăng quang, mấy người phải đỡ ông dậy, nghi lễ mới hoàn tất.[13] Lý do Hồng Bảo bị phế truất, sử nhà Nguyễn chép lời trăng trối lúc lâm chung của Thiệu Trị nói với các đại thần Trương Đăng Quế,[14] Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương và Lâm Duy Tiếp:
Dù vậy, Hồng Bảo không tin đây là ý của vua cha mà là do Trương Đăng Quế bày mưu, nên quyết chí báo thù người gây ra.[16] và tìm cách giành lại ngôi báu. Quân Chày VôiVào tình hình trước nguy cơ bị thực dân Pháp đô hộ. Đoàn Hữu Trưng, là một người có học thức, tin rằng vua Tự Đức bất tài và nghĩ rằng vua Hồng Bảo nếu được lên ngôi thì sẽ giải quyết được tình hình nguy cấp như hiện giờ. Trưng đứng về phía chủ chiến chống Pháp thay vì hòa. Ông còn phản Tự Đức vì Tự Đức không chịu cải cách đất nước. Do các người dân tham gia cuộc nổi dậy này đa số dùng chày vôi nên họ còn được gọi là quân chày vôi. Giặc Khách ở Bắc kỳGiữa thế kỷ 19, vùng Tây Bắc Đại Nam ngày càng mất ổn định. Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh đàn áp, nhiều nhóm tàn quân của Thái Bình Thiên quốc tản mác và bỏ xuống phía nam, hoạt động ở vùng núi miền bắc Đại Nam theo diện hoạt động thổ phỉ. Tình hình biên giới hai nước Đại Nam và Đại Thanh càng phức tạp, nhiều giặc giã, nhưng quân đội triều đình nhà Nguyễn lại không đủ sức đánh dẹp được, nên buộc phải đồng ý cho quân Nhà Thanh vào miền Bắc để bình định vùng biên giới. Năm 1868, cuộc nổi dậy của Ngô Côn bị dẹp tan, số tàn quân dạt sang Đại Nam và trở thành những đám phỉ thi nhau cướp bóc dọc biên giới ở vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang… trong đó mạnh nhất là quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh. Nhằm truy quét tiêu diệt triệt để toán phỉ này, từ năm 1869, nhà Thanh đã nhiều lần phái tướng Phùng Tử Tài đưa quân sang Đại Nam phối hợp với quân nhà Nguyễn và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đánh quân Cờ Vàng. Năm 1868, Ngô Côn cho quân đánh chiếm thành Cao Bằng, nhà Nguyễn phải cử quan tổng đốc Phạm Chí Hương viết thư sang nhà Thanh xin cho quân sang tiễu trừ. Triều đình Mãn Thanh đã cho Phó tướng Tạ Kế Quý đem quân sang phối hợp với Ông Ích Khiêm và quan đề đốc Nguyễn Viết Thành đánh đuổi nhưng không được. Đến tháng 7 năm 1868, quân tướng nhà Thanh và Triều Nguyễn lại cùng nhau phối hợp đánh quân Cờ Vàng do Ngô Côn cầm đầu ở Thất Khê nhưng thất bại; trong trận này tham tán Nguyễn Lệ và Phó Đô đốc Nguyễn Viết Thành bị tử trận, còn Tham tán Phạm Chí Hương bị bắt. Trước tình hình đó đã buộc triều đình Huế phải nhờ cậy đến Đề đốc Quảng Tây là Phùng Tử Tài mang 16 doanh quân (mỗi doanh có từ 200 đến 300 quân) sang phối hợp với quân triều đình Huế đánh đuổi. Nhà Nguyễn lại cử Vũ Trọng Bình làm Hà Ninh Tổng đốc kết hợp với Phùng Tử Tài mang 31 quân thứ (gần 1 vạn quân) đánh Ngô Côn, khôi phục được tỉnh Cao Bằng vào tháng 5 năm 1869. Khi Ngô Côn vây hãm quân triều đình ở phủ Phú Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên, Tán tương quân thứ Tôn Thất Thuyết, quyền đề đốc Nguyễn Văn Nhuận chia đường tiến đánh, lấy lại được phủ thành.[17] Đó cũng là lúc, để cùng phối hợp, Vũ Trọng Bình và Nguyễn Văn Tường ở Lạng Sơn liền bàn với Phùng Tử Tài tiến quân về Thái Nguyên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Tuyên Quang để "cùng đánh một loạt cứ điểm sào huyệt của bọn phỉ".[17] Bên cạnh quân chính quy của Mãn Thanh và Đại Nam thì đợt tiễu trừ lần này còn có vai trò to lớn của cánh quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc. Tháng 2 năm 1868 Lưu Vĩnh Phúc đã phối hợp với quân của triều đình Huế dẹp quân "Cờ Vàng", "Cờ Trắng" ở vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Bắc Ninh. Năm 1869, quân Cờ đen phục kích đánh tan tác quân Cờ vàng tại Lào Cai, rồi truy quét Cờ vàng đến tận hang ổ tại Hà Giang. Phối hợp với quân Cờ đen là quân nhà Nguyễn và quân Thanh của tướng Phùng Tử Tài, quân Cờ vàng phải tháo chạy khỏi căn cứ Hà Giang. Tuy nhiên, do dịch bệnh và khí hậu khắc nghiệt nên quân Thanh phải rút về, quân Cờ vàng tiếp tục kiểm soát một vùng rộng lớn ở khoảng giữa sông Hồng đến biên giới, từ Lào Cai đến Sơn Tây. Vào cuối năm Canh Ngọ (1870), sau khi thất bại ở Thất Khê, Cao Bằng, Ngô Côn đem quân rút chạy xuống Bắc Ninh và đem quân vây sát thành Bắc Ninh với khí thế rất mạnh.[17] Nhưng lần này Ngô Côn bị chỉ huy quân nhà Nguyễn là Ông Ích Khiêm bắn chết trong một trận giao chiến ở gần sông Đuống. Đó là lần chiến thắng vang dội nhất, từ sau chiến thắng đánh chiếm lại thành Cao Bằng do Vũ Trọng Bình, Nguyễn Hiên, Đinh Hội chỉ huy. Hai trận thắng cách nhau chỉ hai tháng.[17] Sau khi dẹp được quân Ngô Côn, triều đình nhà Nguyễn đã cử nhiều quan lại như Võ Trọng Bình, Trần Đình Túc, Ông Ích Khiêm đến hội đàm với tướng Thanh là Phùng Tử Tài xung quanh vấn đề sự hiện diện của quân Thanh trên đất Đại Nam và buộc Phùng Tủ Tài phải gây sức ép lên quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc để nhóm quân này phải rút về Trung Quốc. Khi Phùng Tử Tài đến Tuyên Quang theo như yêu cầu của Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường, quân Thanh dưới quyền Phùng Tử Tài hội quân với quân Nam tại đấy. Quân Thanh đóng trại ở xã Linh Hồ, ngoài thành.[18] Phùng Tử Tài phàn nàn về vấn đề lương thực và đạn dược tiếp vận chậm. Để làm vừa lòng ông, Nguyễn Bá Nghi, Đào Trí liền bị vua Tự Đức cách chức. Vua Tự Đức cũng gửi dụ ra mặt trận ngợi khen Vũ Trọng Bình, Nguyễn Văn Tường giỏi về ứng đối (với tướng nhà Thanh), cho chuyên sung việc hộ dẫn, theo bàn công việc mưu kế đánh dẹp, vỗ về.[18] Năm Tự Đức thứ hai mươi ba, Canh ngọ (1870), tại Lạng Sơn, tán tương Nguyễn Văn Tường theo sắc dụ của vua Tự Đức, sung làm khâm mạng đến đại bản doanh của tướng nhà Thanh Phùng Tử Tài để phúng điếu tổng trấn Quan Tùng Chi nhà Thanh mới chết bệnh và các chiến sĩ trận vong của họ với số tiền tượng trưng là 200 lạng bạc cùng nhiều lễ vật khác, đồng thời ông cũng uỷ lạo các doanh quân Thanh bằng số bạc 3000 lạng, để tiễn chân quân Thanh hợp lực tiễu phỉ về nước.[18] Tháng Tư năm Tự Đức 23 (năm 1870), tình hình ở Bắc Kỳ tạm yên, Phùng Tử Tài được lệnh rút quân về nước. Tuy bị đánh lui khỏi Cao Bằng nhưng dư đảng của giặc "Cờ Vàng" vẫn còn rất mạnh, giữa năm 1871, giặc Cờ Vàng lại trỗi dậy mạnh mẽ, cướp bóc các tỉnh thượng du Bắc Kỳ ở vùng Tây Bắc. Phùng Tử Tài lại phụng mệnh lần thứ hai đem quân ra ngoài quan ải đánh dẹp nhưng chưa diệt được Hoàng Sùng Anh. Năm 1875, Hoàng Sùng Anh lại câu kết với quân Pháp nổi lên quấy phá khắp nơi. Đạo viên Quảng Tây là Triệu Ốc được lệnh đưa quân đi đánh, quân Cờ đen mở chiến dịch quyết định đánh chiếm Hà Giang, phối hợp với họ không những là quân nhà Nguyễn mà cả quân Thanh từ Quảng Tây và Vân Nam. Hoàng Sùng Anh bị truy đuổi, bị bộ hạ làm phản, bị bắt rồi bị giết chết. Cuộc xâm lược của PhápNăm 1856, chiến thuyền Catinat vào cửa Đà Nẵng rồi cho người đem thư lên trách triều đình Đại Nam về việc giết giáo sĩ Công giáo. Không được trả lời, quân Pháp bắn phá các đồn lũy rồi bỏ đi. Có Giám mục Pellerin trốn được lên tàu về Pháp, thuật lại cho triều đình Pháp cảnh các giáo sĩ Công giáo bị đàn áp dã man ở Đại Nam. Pellerin nói rằng chỉ cần có loạn là các tín đồ Công giáo sẽ nổi lên đánh giúp. Cùng sự tác động của Hoàng hậu Pháp Eugénie, một người rất sùng đạo, Hoàng đế Pháp Napoléon III (1808 - 1873) quyết ý đánh Đại Nam.[19] Năm 1858, Trung tướng Pháp là Charles Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu Tây Ban Nha gồm 14 chiếc vào cửa Đà Nẵng bắn phá rồi hạ thành An Hải và Tôn Hải. Dù chỉ đồn trú ở Đà Nẵng, các binh sĩ ngoại quốc đã bị khuất phục với các con số đáng sợ vì mắc bệnh dịch tả, kiết lỵ và các chứng bệnh nhiệt đới khác, và một cuộc tiến quân trên nội địa bằng đường bộ hoàn toàn là điều không thực hiện được. Dòng sông Hương chảy từ Huế ra biển, nhưng chỉ có những tàu chạy ở tầm nước nông mới lưu thông được, và kém may mắn thay một số tàu chiến loại nhỏ được sản xuất đặc biệt tại Pháp cho chiến dịch tại Đại Nam lại bị phái sang Hồ Lake Garda để chống lại người Áo trong một cuộc chiến nổ ra tại miền Bắc nước Ý. Hiển nhiên việc chỉ lảng vảng ở Đà Nẵng sớm bị chứng tỏ là không đạt được một mục đích gì cả. Nhưng họ còn có thể đi đâu được nữa. Trung tướng Rigault de Genouilly đổi ý sang đánh Gia Định. Đầu năm 1859, Rigault de Genouilly dẫn quân Pháp và Tây Ban Nha vào cửa Cần Giờ, đánh thành Gia Định. Chỉ trong 2 ngày thì thành vỡ, quan Hộ đốc Võ Duy Ninh tự vận. Xong Trung tướng Rigault de Genouilly lại đem quân trở ra Đà Nẵng đánh đồn Phúc Ninh, quân của Nguyễn Tri Phương thua phải rút về giữ đồn Nại Hiên và Liên Trì. Rigault de Genouilly bệnh phải về nước, Thiếu tướng Page sang thay. Thiếu tướng Page đề nghị việc giảng hòa, chỉ xin được tự do giảng đạo Công giáo và được buôn bán với Đại Nam nhưng triều đình Huế không đồng ý. Đến năm 1862, quân Pháp chiếm Biên Hòa và Vĩnh Long. Triều đình Huế phái Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Nam giảng hòa với Pháp ngày 9 tháng 5 năm Nhâm Tuất, 1862. Trong bản hòa ước gồm 12 khoản có những khoản như sau:
Vua Tự Đức bèn nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp và phái Phan Thanh Giản vào trấn giữ ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ còn lại. Năm 1867, Phó Đô đốc La Grandière kéo quân đánh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản biết thế chống không nổi nên bảo các quan nộp thành trì cho bớt đổ máu rồi uống thuốc độc tự vẫn. Toàn đất Nam Kỳ thuộc về Pháp. Năm Quý Dậu 1873, Thiếu tướng Dupré sai Trung úy Hải quân Francis Garnier đem quân tấn công thành Hà Nội. Chỉ một giờ thì thành vỡ, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương nặng. Bị Pháp bắt, ông không cho băng bó và nhịn ăn đến chết. Trong 20 ngày, Đại Nam mất bốn tỉnh là Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương. Khi ấy có Lưu Vĩnh Phúc là đầu đảng của quân Cờ Đen về hàng triều đình Huế, vua Tự Đức phong cho chức Đề đốc để phụ đánh quân Pháp. Lưu Vĩnh Phúc đem quân ra đánh thành Hà Nội. Francis Garnier đem quân ra nghênh thì bị phục kích chết ở cầu Giấy. Paris biết chuyện nên triệu Thiếu tướng Dupré về Pháp. Dupré tìm cách đỡ tội, sai Đại úy Hải quân Paul-Louis-Félix Philastre ra Hà Nội để trả lại thành và bốn tỉnh bị chiếm. Hai bên ký hòa ước năm Giáp Tuất 1874, trong đó triều đình Huế công nhận cả miền Nam là thuộc về Pháp và Pháp cũng bồi thường lại cho Đại Nam bằng tàu bè và súng ống. Năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers gởi thư cho triều đình Huế nói rằng vua ngu tối, bất lực, đất nước loạn ly, Pháp phải trấn an miền Bắc để bảo vệ quyền lợi của dân Pháp. Một mặt Le Myre de Vilers gửi Đại tá Hải quân Henri Rivière ra Hà Nội, đưa tối hậu thư cho quan Tổng đốc Hoàng Diệu bắt phải hàng. Đúng 8 giờ sáng thì quân Pháp tấn công, 11 giờ thành đổ, Hoàng Diệu treo cổ tự tử. Khâm sai Pháp ở Huế là Rheinart sang thương thuyết, trong đó đòi nước Đại Nam phải nhận nước Pháp bảo hộ và nhường thành thị Hà Nội cho Pháp. Triều đình cho người sang cầu cứu Trung Quốc. Triều đình nhà Thanh được dịp bèn gởi quân qua đóng hết các tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây. Quân Pháp và quân Trung Quốc giao tranh. Đại tá Henri Rivière bị quân Cờ Đen giết tại Cầu Giấy. Sau cái chết của vua Tự Đức, các vị vua ít tuổi lần lượt được đưa lên Dục Đức, Hiệp Hòa; ngày 20 tháng 8 năm 1883 Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An, một hiệp ước được ký kết là Hiệp ước Quý Mùi 1883 với nội dung là xác nhận quyền bảo hộ của người Pháp lên Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Qua đờiGiữa khi đó, ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi, tức ngày 19 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức qua đời, hưởng thọ 54 tuổi. Bài vị nhà vua được đưa vào thờ trong Thế Miếu; miếu hiệu là Dực Tông (翼宗) và thụy hiệu là Anh Hoàng đế (英皇帝). Lăng ông gọi là Khiêm Lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Một điều rất đáng chú ý ở Khiêm Lăng là tấm bia ở Bi đình nặng trên 20 tấn do Tự Đức tự dựng cho mình. Thông thường, con phải dựng văn bia cho cha nhưng vì Tự Đức không có con ruột nên ông tự dựng. Trong văn bia này Tự Đức tự trách mình về việc để mất nước vì "ngu mà mong yên ổn, mờ tối không lo phòng bị từ khi việc chưa phát, tôi hay tướng giỏi cũng đã rơi rụng quá nửa, không ai nhắc nhở lời dạy của vua cha về việc đề phòng mặt biển đến giúp ta tránh khỏi chỗ lỗi lầm". Ông trần thuật "Ai là người cũng gìn giữ bờ cõi ta, vỗ yên nhân dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh dẹp, nhưng càng đánh dẹp càng loạn, mỏi mệt". Ông cũng trăn trở tính chuyện giữ nước, nhưng những quan đại thần được sai đi bàn định điều ước lại "không hiểu vì lý do gì lại dễ dàng lập thành hòa nghị. Bỗng chốc đem cả nhân dân cùng đất đai của các triều nhọc nhằn gây dựng cho giặc hết...". Tự Đức nhận trách nhiệm "không sáng suốt trong việc biết người, ấy là của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...". Ông "nuốt nước mắt, đành chịu tội với tôn miếu và nhân dân" và hối hận vì đã dùng người không sáng suốt, không xứng đáng, tình hình trong nước lại rối ren, tin chiến trường tới tấp, việc quan bộn bề, vua thêm gầy ốm, mang bệnh, không chăm lo chính sự được. Ông hổ thẹn nói rằng "Ta thực sự một mai chết đi thì tự thẹn trí khôn không bằng con cáo".[20][21] Đánh giáViệc cai trịTự Đức được đánh giá là một vị vua có tư cách tốt, tính tình hiền lành. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải. Theo Việt Nam sử lược, ông thường chít khăn vàng và mặc áo vàng, khi có tuổi thì ông hay mặc quần vàng và đi giày hàng vàng do nội vụ đóng, không ưa dùng trang sức, cũng không cho các bà cung phi đeo đồ nữ trang, chỉ cốt lấy sạch sẽ làm đẹp. Ông thường dậy sớm thiết triều từ 6 giờ sáng, chăm chỉ phê duyệt tấu chương, là một vị vua cần cù chăm chỉ. Nhưng Tự Đức cai trị đúng vào một thời đại khó khăn. Trong nước nhiễu loạn, bên ngoài thì thực dân Pháp xâm lấn. Dù chăm chỉ nhưng Tự Đức không đủ tài năng để đưa ra các cải cách nhằm xoay chuyển cục diện đất nước. Trong việc chiến sự với Pháp, ông tỏ ra nhu nhược. Khi quân triều đình mới thất bại vài trận, ông đã nhanh chóng cắt đất Nam Kỳ lục tỉnh để cầu hòa, dù nghĩa quân ở Nam bộ vẫn đang chiến đấu và đã thu được một số thắng lợi. Trong triều đình, vua lấy các quan làm tai mắt. Nhưng các quan lại phò tá vua đều là người học hành theo lối khoa cử thời cũ và không am hiểu thời đại mới, nên mọi việc đều hỏng cả. Sử gia Trần Trọng Kim đánh giá: "Dù rằng vua có trách nhiệm vua, quan có trách nhiệm quan, dẫu thế nào vua Dực Tông cũng không tránh khỏi cái lỗi với nước nhà, nhưng mà xét cho xác lý, thì cái lỗi của đình thần lúc bấy giờ cũng không nhỏ vậy".[2] Đến đầu thế kỷ 20, khi nhà Nguyễn đã mất nước vào tay Pháp, Ngô Tất Tố nhận định về tình hình triều Nguyễn khi đó[22]:
Nhìn chung, sự thất bại của Tự Đức rất giống như vua Đạo Quang nhà Thanh, người cai trị cùng thời với ông. Cả hai đều là những vị vua cần cù chăm chỉ, đề cao tiết kiệm nhưng lại quá giáo điều, thiếu thực tế, không đủ quyết đoán, mưu lược, và hiểu biết về tình hình thế giới nên không thể cứu vãn đất nước đang chìm trong nội ưu ngoại loạn. Tính cách và khả năng của họ chỉ thích hợp cai trị vào thời bình (với tình hình chính trị ít biến động). Lúc bấy giờ, Ông Ích Khiêm là một trong số những quan lại không hài lòng về việc quân đội triều đình yếu kém, phải dựa vào quân Cờ đen (một nhóm vũ trang từ Trung Quốc kéo sang) để chống Pháp, đồng thời cũng chê trách các võ tướng bất lực, lúc hữu sự phải nhờ vào người Trung Quốc để đánh giặc. Ông có làm bài thơ trách[23]
Trong bài thơ Lịch sử nước ta viết năm 1941, Hồ Chí Minh nhận xét về thời Tự Đức:
Nhà cách mạng đầu thế kỉ XX Phan Bội Châu cũng quy trách nhiệm cho vua Tự Đức và Thái hậu Từ Dụ đã làm mất nước, kết tội họ là giặc[25]
Văn họcTự Đức là ông vua hay chữ nhất triều Nguyễn,[2] nên ông rất đề cao Nho học. Ông chăm về việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra Nhã Sĩ khoa và Cát Sĩ khoa[2] để chọn lấy người có tài văn học ra làm quan. Tự Đức là người ham học, hiểu biết nhiều và đặc biệt yêu thích thơ văn. Đêm nào ông cũng xem sách đến khuya.[2] Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như Luận Ngữ diễn ca, Thập điều, Tự học diễn ca...[2] Có rất nhiều giai thoại về Tự Đức, nhất là những chuyện vua giao thiệp với nhà văn, học giả đương thời. Nhà vua rất thích lịch sử, đã đặt Tập Hiền viên và Khai Kinh diên để ông ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Ông còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, từ đời thượng cổ cho đến hết thời nhà Hậu Lê,[2] trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận. Tự Đức cũng rất yêu nghệ thuật, đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế, và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy. Vua có hiếuTự Đức được người đời khen ngợi là một ông vua có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong một tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào.[2] Dù làm vua, Tự Đức luôn kính cẩn vâng lời mẹ dạy. Ông đã ghi chép những lời răn của mẹ vào một cuốn sách, đặt tên là Từ huấn lục. Thậm chí, có lần do mải đi săn về cung muộn, trễ mất việc làm lễ giỗ vua cha, thấy mình phạm lỗi nên ông nằm ra, đặt chiếc roi lên mâm son để chờ Hoàng thái hậu Từ Dụ trách phạt.[2] Gia quyếnHậu cungSử sách chép lại, vua Tự Đức có tất cả 103 bà phi tần, ngự thiếp. Tuy hậu cung đông đảo như thế, nhưng do thể chất ốm yếu, ông hay đau bệnh liên miên, lại thêm di chứng của bệnh đậu mùa nên không thể có con. Ngoại trừ Lệ Thiên Anh Hoàng hậu Võ Thị Duyên được phối thờ với nhà vua ở điện Hoà Khiêm bên trong Khiêm Lăng, tất cả các bà còn lại đều được thờ tại Chí Khiêm đường. Dưới đây liệt kê chức vị và tên húy của một số vị phi tần của vua Tự Đức.
Con nuôiVì không thể có con nên vua Tự Đức nhận ba người cháu gọi bằng bác làm con nuôi:
Giai thoạiTự Đức được vua Thanh tặng con chim hạc quý hiếm nên ông quý lắm, cho đeo lên cổ tấm thẻ bài ghi "Thiên Tử Hạc". Một ngày, chim hạc bay ra khỏi hoàng cung, lạc vào vườn của một gia đình thường dân, bị chó nhà này cắn chết. Vua Tự Đức mất con hạc yêu quý, dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho quần thần điều tra. Sau khi biết con hạc bị chó nhà dân cắn chết, vua Tự Đức nổi giận, truyền cho bộ Hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản. Việc xử án của bộ Hình đến tai quan Ngự sử Phạm Đan Quế. Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, ông gặp vua Tự Đức và trình một bản tấu được viết bằng thơ[29]:
Dịch thơ
Xem xong bản tấu, vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Tác phẩm
Trong văn hóa đại chúng
Sách tham khảo
Chú thích
Xem thêmLiên kết ngoàiWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Tự Đức.
|